<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh








THANH THƯƠNG HOÀNG















































LÃO XÀ ÍCH VÀ CON NGỰA GIÀ




THANH THƯƠNG HOÀNG


Con đường đất nứt nẻ lồi lõm sống trâu trải dài trên cánh đồng hoang làm xe xóc lên xóc xuống, người ngồi ngắc ngư nghiêng ngả. Lọc cà lọc cọc, hai bánh xe có niền sắt quay vòng đều đều chậm rãi. Lục lạc đeo cổ ngựa phát tiếng kêu leng keng leng keng như tiếng nhạc buồn tấu mãi một điệp khúc. Lão xà ích nằm trằn trọc mãi trên tấm ván ngựa nhỏ cũ kỹ không tài nào ngủ nổi. Đôi mắt cứ mở thao láo trong bụng. Bao năm tháng trôi qua tàn lụi trên cuộc đời lão. Hết nằm nghiêng bên phải tới nằm nghiêng bên trái, hết duỗi tay lại duỗi chân, thở ngắn than dài. Bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu sự việc vui có buồn có từ đâu ào ào kéo tới, xuất hiện trong trí nhớ lờ mờ của lão như một cuốn phim quay chậm thoáng ẩn thoáng hiện, chợt đến chợt đi. Lão cố xua đuổi nhưng nào xua được. Càng đuổi nó càng thi nhau ùa đến. Lão bực mình nhỏm dậy lấy gói thuốc rê vấn hút. Bây giờ có lẽ đã quá nửa đêm. Bầu trời tối đen như mực. Tiếng cú kêu từ xa vẳng lại. Người ta bảo cú kêu là điềm xấu đấy. Lão tự nhủ, nhổ nước bọt, rời ván ngựa bước ra ngoài tới bên chái lều nơi trú của con ngựa. Căn lều nhỏ lợp lá dừa chia hai: một cho chủ một cho ngựa. Chỗ dành cho ngựa thấp tè, cao hơn nó chút đỉnh. Ngựa nghe tiếng động biết chủ uể oải đứng lên, cái đuôi phất phất nhẹ hai bên mông. À thì ra mày cũng như tao không ngủ được. Tao thương mày lắm ngựa ơi. Tao đâu muốn làm khổ mày, chẳng qua tại cái số tao mạt rệp. Tao cũng chẳng còn nhớ thầy trò mình bao nhiêu tuổi đời, tất nhiên mày nhỏ hơn tao nhiều. Tao không vợ con họ hàng thân thích, mày cũng vậy. À không, tao có bồ. Cô bồ tao xinh đẹp lắm. Bữa nào rãnh rỗi tao kể mày nghe. Hôm nay thầy trò mình xui tận mạng. Thôi ráng ngủ đi nghe con. Ngủ lấy sức mai thầy trò mình lại đi kiếm ăn. Hừ, ngày chỉ cần hai bữa ăn mà cũng vô cùng vất vả lao đao lận đận.




Một buổi sáng giữa mùa nắng miền Nam, mặt trời mới lên đã oi ả nóng nực. Như mọi ngày lão xà ích rời túp lều nhỏ thắng bộ giây cương vào mình ngựa rồi đánh cỗ xe thổ mộ cũ kỹ ra chợ đón khách. Mới khoảng bẩy giờ chợ đã đông người các nơi qua lại. Một bà tuổi trung niên đến bên lão hỏi: "Đi không?". Lão không trả lời, hỏi lại: "Gần hay xa?". Bà khách lườm buông tiếng: "Xa". Vì quốc lộ bây giờ không an toàn, người ta di chuyển bằng xe ngựa nhiều hơn trên những con đường đất xấu để giữ mạng sống. Tuy chiến sự chưa lan tới, vùng quê này luôn xẩy ra việc "mấy ảnh" đêm đêm từ bưng mò về xóm làng cùng bọn nằm vùng, khi thu gom lương thực, khi bắt nộp thuế, khi hội họp dân làng giải thích đường lối chính sách của "Mặt trận", khi ra quốc lộ đào đường đắp ụ đặt mìn nổ xe quân đội Cộng hòa đi qua. Lúc đầu xe đò tư nhân trúng mìn làm nhiều người bị thương và chết. Còn xe quân đội trước khi đi họ cho rà mìn nên chẳng có gì xẩy ra. Nhờ việc phá đường và đặt mìn này lão xà ích có khách hơn trước, không kể mùa mưa. Tiếng người khách hỏi tiếp:"Có đi không thì nói?". "Đi chớ nhưng đi đâu?". "Núi Ông". "Núi Ông?". Từ đây tới đó xa quá đường lại khó đi, lão xà ích ngần ngại, nói: "Đây tới đó cũng mất cả buổi, thôi hổng đi đâu". Bà khách ra giá: "Một ngàn chịu không?". "Phải hai ngàn". "Mắc dữ vậy cha!". Tuy nói thế nhưng cả gia đình họ vẫn lên xe, sau mấy phút kỳ kèo trả giá. Họ phải đến nơi đúng ngày giờ kịp dự giỗ tổ, nhất là xum họp bà con họ hàng mỗi năm có một lần. Mặc dầu chiến tranh làm gia tộc phân tán nhiều nơi họ vẫn giữ lệ cũ. Gia đình sáu người ngồi lên cỗ xe thổ mộ ọp ẹp, chật ních. Lão xà ích đánh lưỡi chặc chặc, đưa roi quất khẽ vào mông con ngựa già ra lệnh cất vó.

Con đường đất nứt nẻ lồi lõm sống trâu trải dài trên cánh đồng hoang làm xe xóc lên xóc xuống, người ngồi ngắc ngư nghiêng ngả. Lọc cà lọc cọc, hai bánh xe có niền sắt quay vòng đều đều chậm rãi. Lục lạc đeo cổ ngựa phát tiếng kêu leng keng leng keng như tiếng nhạc buồn tấu mãi một điệp khúc. Con ngựa mới chạy ít cây số đã thở phì phì mệt nhọc. Nó già rồi, hơn mười năm theo chủ chạy xe chưa một ngày ngơi nghỉ. Ôi cái thời oanh liệt xa xưa khi người và ngựa còn tràn đầy sinh lực nơi trường đua với những thành tích lừng lẫy.

Hai đứa trẻ kêu đói, bà khách mở bọc vải lấy ra mấy ổ bánh mì mềm xèo như nhúng nước. Nghe hai đứa nhai nhóp nhép làm lão xà ích phát thèm. Lão nuốt nước bọt đánh ực. Đã lâu, từ khi rời bỏ thành phố lão không được ăn thứ thực phẩm này. Sáng nào cũng chỉ vài củ khoai lang hay một hai khúc khoai mì luộc. Hơn năm nay xẩy ra tổng công kích, tổng nổi dậy gì đó toàn vùng bao trùm không khí loạn lạc. Ban đêm "mấy ảnh" về bắt người, ám sát, ban ngày lính cộng hòa hành quân tảo thanh làm dân hoang mang sợ hãi, chẳng còn bình tâm lo việc canh tác. Ruộng vườn bỏ phế, nhiều người bỏ đi nơi khác tìm nghề kiếm ăn làm lão xà ích mất khách. Lão cũng muốn lên thành phố nhưng nghe nói bây giờ người ta di chuyển bằng xe lam xe buýt vừa nhanh lẹ vừa tiện lợi, chẳng còn mấy ai đi xe ngựa. Thôi đành "gà què ăn quẩn cối xay" vậy. Lão xà ích tự an ủi và lão cũng không muốn trở lại thành thị sống nữa, đâu còn có nghề gì cho lão.

Buổi trưa trời nóng hầm hập như đổ lửa, mọi người mồ hôi nhễ nhại mệt mỏi, chẳng còn ai nói cười chuyện trò như lúc mới lên xe. Tất cả có lẽ đang dõi theo vòng bánh xe lăn hoặc nhắm mắt ngủ gà ngủ gật. Xe chạy khoảng mươi cây số rời cánh đồng nhập vào hương lộ. Có một quán lá nhỏ bên đường, theo yêu cầu của khách, xe dừng lại nghỉ. Nhìn mồ hôi toát nhễ nhại trên mình ngựa, lão xà ích có nén thở dài vỗ vỗ vào mông nó, nói như nói với người: "Mệt lắm hả? Thôi ráng đi rồi tao kiếm đồ bồi dưỡng cho mày". Thực ra là lão dụ khị con ngựa chứ kiếm đâu ra đồ bồi dưỡng giữa mùa đồng khô cỏ cháy. Nhưng thật may, lão chợt nhìn thấy sau quán có bụi mía nhỏ liền săm săm bước tới bẻ một hai cây đem cho ngựa, mặc bà chủ quán la lối. Con ngựa già ve vẩy đuôi ra điều biết ơn chủ. Bà khách thuê xe có vẻ thương tình lấy trong bọc một vắt cơm đưa lão xà ích. Lão cảm động lắm, một miếng khi đói bằng một gói khi no mà! Lão nhủ thầm khi nhận tiền sẽ bớt cho "bả" một trăm. Ăn uống nghỉ ngơi chốc lát họ lên xe đi tiếp. Con ngựa già uể oải cất vó. Lão xà ích không ngờ đường lại xa và khó đi đến thế. Ngày trước lão có đưa khách đến nơi này một lần. Vì khi đó lão trẻ sức trai còn mạnh, nhất là con ngựa còn phong độ nên không thấy đường xa. Lão mệt mỏi cất tiếng phàn nàn với khách tỏ ý muốn bỏ cuộc, trả tiền hay không cũng được. Bà khách tưởng lão giở trò vòi vĩnh muốn đòi thêm tiền làm lão bực mình gắt: "Không phải vậy. Tui mệt lắm rồi!". Tuy nói thế nhưng lão vẫn tiếp tục cho ngựa rong ruổi. Mãi xế chiều mới tới nơi - một xóm nhỏ những cây dừa cao nghệu xác xơ già cỗi bao quanh. Bà khách tặng thêm tiền nhưng lão khẳng khái từ chối và chủ nhà giữ lại đãi bữa ăn cũng từ chối luôn. Lão không muốn người ta thương hại bố thí, nại lý do trời đã ngả sang chiều. Cầm mấy tờ giấy bạc tiền công, uống ly nước trà, còn ngựa được bồi dưỡng vài tán đường thô, lão xà ích đánh cỗ xe thổ mộ quay về. Đi vài cây số lão chợt nhớ ra một con đường tắt có thể về nhà sớm hơn, lão quay xe nói an ủi ngựa: "Thôi ráng đi con, về nhà cha con mình nghỉ ngơi thoải mái. Tao sẽ cho mày ăn một bữa thật no. Lâu lắm mới vớ một món bở con ạ". Ngựa gục gặc đầu biểu đồng tình.

Con đường tắt này xuyên qua một khu rừng lâu nay ít người đi lại, cây dại nhiều chỗ cành lá chìa ra che lấp mặt đường làm ngựa cất bước khó khăn chậm chạp kéo lê cỗ xe. Người ngựa đều mệt. Đến một khúc quẹo lão xà ích vừa giật cương ngựa thì trước mặt lão xuất hiện một gã cao to mặc bộ bà ba đen bạc mầu, râu ria xồm xoàm, tay cầm con dao rừng. Nhìn mặt mũi bậm trợn dữ dằn của nó, lão xà ích biết ngay là tên bất lương. Nó nhìn lão chằm chằm, cất tiếng nói ồm ồm: "Cho đi nhờ một quãng nghe lão già". Chẳng cần đợi lão đồng ý hay không nó nhẩy phốc lên xe ngồi nhe hàm răng to vàng khè nham nhở cười. Thân mình to lớn nặng nề của nó đặt mạnh xuống băng ghế gỗ làm xe phát tiếng rên cót két. Đi một quãng nó cất tiếng hỏi lão: "Thế nào, hồi này làm ăn có khá không?". Lão xà ích nhổ bọt xuống đường: "Không chết đói là may. Sức mấy mà khá". "Sao biểu người chạy loạn đông, lão đánh xe suốt buổi không hết việc?". Lão xà ích đưa mắt lừ nó: "Thế còn anh? Anh mần chi ở đây?". Tên bặm trợn cất tiếng cười giả lả: "Tui ở đây đón đường khách". Lão xà ích có vẻ nghi ngờ: "Đón đường khách? Để mần chi? "Thì cướp của chớ mần chi!". "E hè". Lão xà ích trừng mắt nhìn nó gằn giọng: "Cướp của?". "Đúng vậy. Thôi, nói thật với lão từ sáng tới giờ đứng chờ ở đây, lão là người khách đầu tiên đó. Hồi này mần ăn khó khăn. Lão đưa tui mượn chút tiền, khi nào trúng mánh lớn trả lại". Lão xà ích quắc mắt nhìn tên cướp cạn, thằng khốn này thiệt to gan. Lão nói như rít: "Tao làm gì có tiền đưa mày!". Thằng cướp cạn cất tiếng cười nham nhở: "Tui biết lão vừa đưa khách về. Thôi nể mặt già lão đưa tiền tui, êm mọi việc. Nếu không chịu thì mất cả xe lẫn ngựa đó. Con ngựa này tuy gầy nhom đem xẻ thịt cũng no bụng ít bữa. Tui nhân từ nên để đường lão mần ăn". Dứt lời nó đưa hai cánh tay hộ pháp đặt lên hai vai lão giật mạnh làm lão suýt té xuống đất. Lão bắt buộc ngừng xe tìm cách đối phó. Thằng cướp cạn liền lật ngửa lão và đưa tay bóp cổ, ra lệnh: "Đưa tiền đây!". Trong lúc lão xà ích chưa biết phản ứng sao tên cướp đã giật cái túi áo trước ngực của lão lôi ra mấy tờ giấy bạc, cất tiếng cười khè khè khả ố: "À hà, khá đây". Nó cầm tiền nhẩy khỏi xe bước đi. Lão xà ích giương đôi mắt căm hờn nhìn tên cướp cạn xa dần. Trước khi khuất nẻo nó còn giơ tay vẫy vẫy chào biệt lão. "Thằng trời đánh! Quân lưu manh! Đồ cướp cạn bất lương!". Lão xà ích cất tiếng nguyền rủa, nhìn theo bóng tên cướp nhổ nước miếng. Thế là hết công lao một ngày cực nhọc vất vả. Lão than thầm, nheo nheo đôi mắt mệt mỏi nhìn quãng đường chiều heo hút còn lại chút ánh sáng, nhìn con ngựa già đang đứng cúi đầu thở dốc. Nó như thông cảm nỗi bực tức căm phẫn của chủ, đưa hai vó trước cào cào mặt đất. Lão xà ích rời xe đến trước đầu ngựa, tay gãi gãi nhẹ vào cổ nó an ủi. Lão nói như rên: "Tao thương mày lắm. Mày mệt đói hả? Tao cũng vậy. Số phận cha con mình thật hẩm hiu mạt rệp. Đã nghèo còn mắc cái eo. Có tiền bỏ vào túi vẫn bị cướp mất. Cả một ngày thầy trò mình vất vả cực nhọc trở thành công cốc lại còn suýt bị thằng bất lương hãm hại. Lão xà ích thở dài buồn bã chán nản ngồi bệt xuống vệ đường mở gói thuốc rê vấn hút.

Giờ lâu người ngựa lại đi. Đánh vật mãi với con đường đất, chợp tối mới về căn lều tồi tàn đã che mưa nắng cho người và ngựa bao năm đằng đẵng. Xóm nghèo im lìm trong bóng đêm lặng lẽ vắng ngắt. Lão xà ích vét hết cám trộn nước trong máng gỗ cho ngựa ăn, còn lão nuốt xong chút cơm nguội bữa trước để lại rồi thả mình trên tấm ván ngựa. Nhưng cả đêm đó lão không tài nào nhắm mắt ngủ nổi. Dĩ vãng hiện tại quay mòng mòng vật lộn nhau trong cái đầu chất phác của lão. Than ôi, mới đấy đã quá nửa đời người! Biết bao vật đổi sao rời mà tại sao lão vẫn là lão, vẫn là thằng xà ích nghèo rớt mồng tơi. Người ta bảo "Mặt trận" đánh Mỹ Ngụy dành cơm no áo ấm cho dân nghèo nên nhiều người theo vô bưng. Lão có hai thằng cháu họ xa, một thằng nghe tuyên truyền vô bưng làm bộ đội giải phóng, một thằng tới tuổi đi lính quốc gia. Lão không biết hai thằng này có đụng trận nhau không. Với lão những ngày đầu cũng như thiên hạ "hồ hởi phấn khởi" lắm. Lão chờ mãi cuộc đổi đời ấy.




Năm đó thằng Ba - mọi người quen gọi là "thằng Ba trời ơi" vì nó hay kêu trời, vui cũng kêu buồn cũng kêu - đúng 13 tuổi mẹ mất. Bà con lối xóm thương tình mỗi người góp một ít đủ cho thằng Ba chôn cất mẹ. Nó không cha từ năm hai tuổi. Trong lúc chưa biết mưu sinh bằng cách nào thật may mắn cho nó: chú Sáu từ Saigon về quê chơi. Nghe bà con kể hoàn cảnh thằng Ba, chú Sáu vui vẻ nói: "Tui có việc cho nó đây. Chẳng là ông bạn tui ở Saigon làm chủ mấy con ngựa đua, tháng vừa rồi một thằng nài bị té ngựa gẫy cẳng sao đó nên đang thiếu một đứa thay thế". Quan sát thằng Ba từ đầu đến chân, chú Sáu gật gù: "Nhỏ con, mặt mũi có vẻ lanh lợi, được đấy! ?". Thế là thằng Ba được đưa lên Saigon "mần việc". Sau khi hỏi tên tuổi lai lịch và cân nặng nhẹ xem đủ tiêu chuẩn làm nài không, ông chủ ưng liền. Cuộc đời thằng Ba bắt đầu "sự nghiệp" từ đây. Qua mấy tháng vất vả tập tành với con ngựa ô có tên là Phi Long, thằng Ba được đưa ra trường đua tham dự cuộc đua đầu tiên trong đời. Ông chủ không trông mong gì nó thắng, chỉ muốn cho nó quen với đấu trường. Biết nài mới ngựa mới ra quân, các tay tổ và dân mê cá ngựa không ai "bắt" con Phi Long. Thật bất ngờ, con Phi Long vào những giây phút chót phi nước kiệu về hạng ba. Ông chủ thằng Ba thắng lớn. Từ đấy các tay chơi cá độ bắt đầu chú ý tới con Phi Long và thằng nài Ba. Lúc dắt ngựa ra mấy thằng nài cũ - cũng là đệ tử của ông chủ ngựa - nhìn thằng Ba với vẻ mặt tức tối. Có thằng còn giơ nắm đấm dứ dứ trước mặt nó. Thằng Ba ngạc nhiên lắm. Mình có làm gì đâu mà bọn nó lại có vẻ giận dữ vậy. Về nhà, thằng Ba vẫn ở nhờ nhà chú Sáu, được chú giải thích nó mới biết bài học vỡ lòng đầu đời: hơn người thì người ghét tìm cách hãm hại, thua người thì người khinh dìm cho chết luôn. "Trời ơi, sự đời sao mà lí lách vậy!". Thằng Ba kêu thầm trong bụng.

Kể từ buổi đạt chiến thắng không mong đợi, thằng Ba được ông chủ tận tình rèn luyện và chỉ bảo tất cả mánh khóe nơi trường đua. Những đứa trẻ con nhà nghèo mồ côi cha mẹ thường khôn lanh hơn những đứa cùng lứa tuổi. Thằng Ba chẳng bao lâu trở thành gà nòi của ông chủ ngựa đua Rô Be Bẩy. Ông này là dân Tây (quốc tịch Pháp) nổi tiếng ăn chơi và cũng rất chịu chơi. Ông cho thằng Ba về sống trong ngôi biệt thự của mình, ở chung phòng với anh bếp nơi góc vườn. Căn biệt thự của ông Rô Be Bẩy rất sang trọng đồ sộ, sau vườn hoa là một dẫy chuồng ngựa, có tất cả 5 con. Từ trước tới nay ngựa của ông chưa được một giải thưởng nào. Con ngựa Phi Long ông mới mua về mấy tháng tuy không to lớn nhưng đang độ trưởng thành. Người ta bảo con ngựa này có 4 vòng trắng nơi cổ chân tức tứ túc mai hoa thuộc loại ngựa quý, rất cao giá. Ngày hai buổi thằng Ba cùng các bạn đồng nghề dắt ngựa ra trường đua tập dượt. Mấy thằng kia không được ông chủ ưu đãi nên căm ghét thằng Ba tìm mọi cách "chơi"nó. Thằng Ba thản nhiên không quan tâm tới sự kèn cựa này, như lời anh bếp khuyên "mày được ông chủ cưng thì đách sợ thằng nào". Một hôm trong lúc tập dượt một thằng nài cố tình chèn ép cho thằng Ba ngã làm con ngựa bị thương nhẹ, còn nó may không việc gì. Anh bếp xui nó méc với chủ nhưng nó không nói. Chính vì "nghĩa khí quân tử" này thằng Ba và thằng nọ trở thành đôi bạn thân kết nghĩa anh em. Con đường sự nghiệp của thằng Ba cứ thế thăng tiến. Trong cuộc đua sau đó con Phi Long về nhất giữa tiếng hò hét hoan hô vang trời của dân cá độ trường đua. Ông chủ Rô Be Bẩy được một số tiền lớn và tên tuổi ông cũng như thằng Ba trở thành đề tài bình luận sôi nổi của các tờ "nhựt trình". Tất nhiên "thằng nài Ba" trở nên đắt giá được ông chủ biệt đãi về tiền bạc cũng như đời sống. Nhiều chủ đua ngựa muốn níu kéo mua chuộc nó nhưng nó một mực trung thành với chủ. Cứ thế thời gian trôi qua, thằng Ba và con Phi Long thường xuyên ra trường đấu lúc thắng lúc thua, nhưng khi nào cũng ở các hạng nhất, nhì, ba. Sau mấy năm lăn lộn trong nghề thằng Ba bị xếp vào hạng tuổi bắt đầu "già"sắp về vườn theo quy định trường đua - nó được ông chủ ra lệnh cuộc đua tới bằng mọi cách phải thua. Nhưng lúc vào cuộc đua không biết vì nó hiếu thắng hay vì quên lời chủ dặn, đã thúc ngựa phi nước đại về nhất. Ông chủ Rô Be Bẩy hầm hầm tức giận. Về nhà, ông đấm đá đánh đập chửi bới thằng Ba thậm tệ rồi đuổi nó khỏi nhà. Nó chẳng hiểu chuyện gì xẩy ra nông nổi này, khóc nức nở van xin ông chủ nhưng không xong. Sau đó nó được một chủ ngựa đua khác thương tình đem về nuôi. Trong một cuộc đua nó đang dẫn đầu thì bị chính thằng bạn - mà nó kết nghĩa anh em nơi chủ cũ - chèn ngang một cách nhà nghề làm nó ngã ngựa. Con ngựa bị trật móng bong khớp sau này thành tật, còn thằng Ba bị dập xương vai bắt buộc phải giải nghệ. Nó nghe nói ông chủ nó thưa kiện vụ này. Còn nó được ông bán cho con ngựa bị thương tật với giá rẻ. Ông khuyên nó về quê đánh xe thổ mộ chở khách mưu sinh. Thế là chấm dứt chuỗi ngày tháng "mần" nài đua ngựa của "thằng Ba trời ơi" nơi chốn phồn hoa đô hội.




Về quê thằng Ba dựng một cái lều lá trên miếng đất nhỏ của ông bà để lại nơi cuối làng.

Có được chút tiền dành dụm khi làm nài đua, thằng "Ba trời ơi" mua một cỗ xe thổ mộ tàng tàng cũ kỹ và bắt đầu hành nghề chở khách chở hàng. Cuộc mưu sinh tuy vất vả chật vật nhưng cũng đủ sống qua ngày. Với bản tính hiền lành - nhất là giá tiền nào nó cũng sẵn lòng đưa đón khách - nên được mọi người thương đi đâu cũng "ới" thằng Ba. Rồi năm 19, 20 tuổi (Ba không nhớ rõ) một cuộc tình đến với Ba: cô gái bán hàng rong, khách thường xuyên của Ba. "Con nhỏ" theo nhận xét của Ba xinh đẹp, hiền lành. Hai đứa thương nhau được khoảng nửa năm sắp đi tới việc cưới xin ăn ở vợ chồng chính thức, cô gái bất thần biệt tăm tích. Ba đau khổ một thời gian khi nghe tin cô ta bỏ đồng quê lên Saigon mần nghề "bán ba". Tình nghĩa thời buổi nay sao mà tệ bạc. Ba rủa thầm. Lão thầy Chín trong làng chuyên bói toán tử vi nói thằng Ba năm nay gặp sao la hầu la hán gì đó xấu lắm. Quả đúng vậy. Vừa bị bồ bỏ ít ngày thằng Ba bị công an xã bắt giải lên huyện giam giữ tra xét về "tội" làm liên lạc cho "mặt trận". Sự thực buổi đó có người trong xóm nhờ Ba đưa giúp một gói đồ cho bà con ở thị xã. Ba đâu biết gói đó có gì bên trong nên cứ thành thật khai báo. Bị nhốt vài tháng được tha. Con ngựa may có bà con lối xóm trông coi giúp. Một buổi tối đi mần về tới lều chưa kịp nghỉ ngơi ăn uống, mấy người vận đồ bà ba đen mang súng nhỏ xông vào bắt trói Ba dẫn đi mãi trong rừng sâu. Trong số này Ba thấy có gã gửi đồ bữa trước. Thì ra đó là "mấy ảnh" trong bưng ra bắt Ba về "tội" chỉ điểm cho "ngụy" phá vỡ cơ sở hạ tầng. Bị giam giữ hơn năm, trải qua bao lần tra khảo thêm đói ăn bệnh hoạn, Ba mới được tha về, người chỉ còn da bọc xương. Tù quốc gia ăn cơm no có thịt cá rau, còn tù "mặt trận" trong bưng ăn toàn thứ khoai mì có lớp vỏ bên trong trắng lấy giống từ Ấn Độ, vừa đắng vừa độc (người ta bảo loại khoai mì này chỉ dùng chế biến trong công nghệ làm thức ăn gia súc) với rau tầu bay mà cũng không được no. Hôm thả hai mắt Ba bị bịt kín, tay bị trói và thòng giây kéo đi, Ba sợ hãi tưởng họ mang đi bắn. Lội bộ cả buổi tới bìa rừng "mấy ảnh" mới cởi trói bỏ miếng vải bịt mắt ra nói thả cho về. Hú hồn viá, Ba như người sống lại. Những đêm nằm tù Ba nhớ lại câu chuyện các cụ bô lão trong xóm kể, mấy mươi năm trước ông già của Ba cũng bị các quan Tây bắt tù vì "tội" nghèo quá không có tiền đóng thuế thân thuế thổ gì đó, khi được tha phải bỏ xứ đi xa mần ăn rồi biệt tăm tích luôn. Cũng những ngày này Ba lo cho mình ít hơn lo cho con ngựa ở nhà. Ba chỉ sợ nó chết vì đói hoặc bị người ta làm thịt. Thời buổi này cuộc sống mọi người đều vất vả khó khăn, để tồn tại người ta có thể làm tất cả mọi việc dù biết đó là bất nhân.

Về tới đầu xóm Ba nhìn thấy con ngựa của mình đang gặm cỏ. Nó vốn đã gầy giờ càng thêm gầy xác xơ tiều tụy, một thằng nhỏ cưỡi trên lưng. Ba mừng rỡ. Thì ra ông Tư lão niên trong xóm cho cháu chăn nuôi giúp con ngựa. Gặp lại chủ nó mừng rỡ hí vang và hai cẳng trước cứ thế chồm lên quơ lia lịa trên không. Ba ôm đầu nó vuốt ve an ủi. Nó liếm láp hít hít khắp mặt mũi tay chân Ba. Cả chủ và tớ đều chẩy nước mắt. Từ đó Ba lại tiếp tục hành nghề cũ. Một mình một ngựa, sửa lại cỗ xe thổ mộ bỏ phế từ ngày bị giam tù, cùng nhau chạy vạy bươn trải cuộc mưu sinh, mặc cho thế sự thăng trầm biến chuyển. Vì quá "phong trần" đánh vật trong cuộc mưu sinh, Ba đã biến hình đổi dạng. Năm tháng nặng nề trôi in hằn nét khắc khổ già nua trên mặt và thân mình gầy quắt của Ba. Mới đấy còn là "thằng Ba trời ơi", "thằng Ba nài đua" rồi "anh Ba xe ngựa" giờ đã trở thành "lão xà ích" với con ngựa già!




Lão xà ích nằm liệt trên đám cỏ dại héo hắt xen lẫn đất cát đá vụn hỗn độn bên đường. Trước mặt lão không xa, cỗ xe thổ mộ tan banh, mui tôn rách thành từng mảnh, hai bánh xe mỗi cái một nơi, niền sắt rời ra cong queo. Gần đó con ngựa già nằm nghiêng bốn vó buông thõng rã rời, sùi bọt trắng hai bên mép. Thân mình nó gầy đét lởm chởm lông đen, cái bụng lộ những xương sườn thảm hại và máu từ đây chẩy xuống đất. Hình như nó đang thoi thóp thở. Đôi mắt đờ đẫn không hồn của nó mở to ướt nhèm, nước mắt tuôn dàn dụa. Nó khóc, có lẽ vì không chịu đựng nổi sự đau đớn hành hạ do vết thương gây ra. Môt vó trước của nó, vốn thương tật kinh niên, bị đứt lìa lòi cả xương. Cạnh nó vung vãi vài bông hoa bắt đầu héo. Lão xà ích hết nhìn cỗ xe thổ mộ, nhìn con ngựa già rồi nhìn con đường nhựa lam nham đen đủi trải dài trong chiều nắng đang tắt.

Hôm trước có người trong xóm đến thuê bao lão xà ích một ngày để đi rước dâu. Có tất cả ba xe thổ mộ chở nhà trai. Nhà gái không xa nhưng đường đi hơi khó khăn vì phải băng qua một con dốc cao. Xe của lão xà ích được vinh dự chở chú rể và ba cậu phù rể. Ba người này đều áo sơ mi trắng thắt cà vặt đỏ, chỉ mình chú rể mang cái áo vét rộng quá khổ. Cha mẹ chú rể khăn đóng áo dài theo cổ lệ. Hai bên thành xe dán nhiều tờ giấy đỏ dài có những hàng chữ viết như "loan phụng kỳ duyên", "bách niên giai lão", "trăm năm hạnh phúc"... Còn ngựa của lão xà ích có một vòng hoa đủ mầu sắc choàng quanh cổ và trên đầu "cắm" một bó hoa tươi nhỏ. Lão xà ích được chi trả món tiền kha khá. Chật vật mãi mới vượt qua con dốc, đến trưa nhà trai tới nhà gái đúng giờ ấn định. Lễ lạc và ăn uống tiệc tùng xong xuôi nhà trai rước dâu về. Lần này xe lão xà ích đi giữa chỉ chở riêng cô dâu chú rể. Xe chở mấy ông bà già và họ nhà trai dẫn đầu. Xe sau chót là các cô cậu phù dâu rể.

Buổi chiều đang êm đềm trôi bất thần một trận cuồng phong dữ dằn nổi lên, khối mây đen vần vũ che lấp mặt trời, ào ào kéo về phía lão. Ba cỗ xe thổ mộ hối hả đánh vật với con đường đổ dốc đầy hiểm trở để kịp về nhà trước khi giông tố ùa tới. Người ta nói, mà lão xà ích thấy thiệt đúng, là lên dốc tuy vất vả nhưng vẫn hơn xuống dốc, sơ hở tí chút xe tan người chết liền. May mắn ba cỗ xe thổ mộ xuống hết dốc an toàn nhập vào quốc lộ vừa lúc một đoàn xe nhà binh cộng hòa rầm rộ chạy tới.Trong lúc lão xà ích đưa tay quệt mồ hôi trán khoan khoái thở ra nhẹ nhõm bỗng tiếng súng từ phía trước phía sau đồng loạt nổ, đạn bay chi chít rít lên rùng rợn. Chắc là phục kích đây. Nơi này tuy thuộc vùng "xôi đậu" nhưng lâu nay chưa xẩy ra chiến trận. Lão xà ích nghĩ bụng và chưa kịp định thần, một tiếng nổ lớn sát bên lão làm hai lỗ tai lão muốn vỡ màng tang. Người lão cùng đất đá bị hất tung lên. Khói đạn khét lẹt.Tiếng người kêu la rên rỉ. Súng đạn lớn nhỏ cứ thế nổ liên hồi. Lão xà ích thấy đau nhói toàn thân rồi ngất đi. Không biết bao lâu lão mới hồi tỉnh, nơi bả vai và chân lão máu chẩy ướt đẫm bộ bà ba mầu vàng mỡ gà, mua hồi tết bữa nay diện đi rước dâu, rách tơi tả. Lão biết mình bị thương nặng, đưa mắt nhìn quanh nghe ngóng. Gần bên lão chú rể nằm dài dưới đất hai tay ôm chặt cô dâu với chiếc áo cưới đỏ thấm máu. Hình như trong cơn hoạn nạn đau đớn và trước cái chết họ vẫn nhất quyết không rời xa nhau. Hồi lâu tiếng súng ngưng. Có lẽ hai bên đã rút để lại nơi trận đánh đám người rước dâu và ba con ngựa nằm bẹp dưới đất cùng ba cỗ xe thổ mộ chổng trơ tan tành. Lão xà ích thấy mờ mờ, cách chỗ lão hơi xa một chút, hai xe nhà binh bị đạn phá nát nằm ụ trên đường, không bóng người nào quanh đó. Chẳng lẽ họ mải mê bắn giết nhau không nhìn thấy những nạn nhân quằn quại trên vũng máu vì súng đạn của họ?

Trong lúc bàng hoàng hoang mang lão xà ích chẳng biết mình bị trúng mìn hay bị đạn bắn phải. Thì ra bọn lão bỗng dưng mắc kẹt giữa lằn đạn của hai bên quốc cộng. Lão thấy thương quá đôi trai gái trẻ tuổi trong ngày vui đẹp nhất đời mình mang họa. Họ đâu có thù hận với ai, với phe này phe nọ, với bên này bên kia? Họ cũng như lão, chỉ là những công dân bình thường có làm gì nên tội mà phải hứng chịu tai nạn thê thảm thế này! Chợt mặt lão đanh lại, hai hàm răng nghiến chặt, đôi mắt trợn trừng. Lão muốn bước tới bên con ngựa vuốt ve an ủi nó nhưng không tài nào nhấc nổi hai chân. Lão thở dài thườn thượt đưa mắt nhìn bầu trời chạng vạng tối với những khối mây đen khổng lồ hình thù quái dị đang vần vũ rời bỏ mặt trời trôi nhanh về phía lão. Rồi những khối mây đen bị gió lộng cuốn, tách ra chẳng khác gì vòi những con bạch tuộc sà xuống thấp như muốn chụp vồ lão. Lão rùng mình hoảng hốt. Lão nhìn lại những nạn nhân nằm sóng soài trên mặt đường bê bết máu, không biết còn sống hay chết. "Trời ơi!" lão xà ích thốt tiếng kêu ai oán: "Chẳng lẽ ta chết nơi đây! Chẳng lẽ ta tới ngày tận số!". Rồi lão hét lớn: "Đúng là trời hại ta, đúng là đời hại ta! Trời ơi, ta làm gì nên tội để đến nông nỗi này!". Lão chống hai tay gắng gượng cố đứng lên lần nữa nhưng hoàn toàn vô vọng. Toàn thân lão đau đớn tột cùng, chẳng còn chút sức lực. Lão đành nằm buông xuôi ngửa mặt nhìn trời. Mặt trời bây giờ chỉ còn là một khối tròn mầu máu đỏ lòm nhòe nhọet tung tóe. Hai hàng nước mắt lão xà ích cứ thế tuôn trào trên khuôn mặt nhăn nhúm già nua. Thoáng chốc mặt trời chìm đắm mất hút nơi phương tây chẳng còn để lại dấu tích. Bóng tối đang phủ xuống vạn vật. Những lằn chớp lóe liên tục xé rách từng mảng trời và những tiếng sấm tiếng sét như tiếng súng đại bác rung chuyển muốn phá tan mặt đất. Hết nhân tai đến thiên tai. Hết tai họa này đến tai họa kia cứ thế chồng chất. Biết đến bao giờ...Lão xà ích nhắm đôi mắt lại.

Trong sấm sét gió gào, lão xà ích vẫn nghe thấy tiếng con ngựa già của lão rên rỉ từng hồi não nề thảm thiết.


THANH THƯƠNG HOÀNG
















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com